ĐÁP:
Sống với nhau tới đầu bạc răng long đó là câu chúc, là mơ ước của tất cả mọi cặp vợ chồng khi đến với nhau. Tuy nhiên không phải cặp vợ chồng nào cũng có thể làm được điều này. Thậm chí có thể sống với nhau trọn đời nhưng cũng không sao tránh khỏi những hục hặc, bất hòa trong cuộc sống. Đó là điều đương nhiên mà tất cả mọi gia đình phải đối diện và chấp nhận nó là một phần của đời sống hôn nhân.
“Không có lửa làm sao có khói” tuy là một câu thành ngữ đúc kết kinh nghiệm dân gian nhưng lại thể hiện rất đúng giáo lí nhân quả trong đạo Phật. Bất kỳ sự xào xáo hay đổ vỡ nào cũng có nguyên nhân của nó và mỗi người đều có một phần trách nhiệm. Vì vậy nếu chân thành muốn giải quyết vấn đề, hàn gắn vết thương lòng thì cả hai phải thật bình tĩnh ngồi xuống nói chuyện với nhau để người này có thể hiểu và cảm thông được người kia và ngược lại. Trường hợp không thể ngồi nói chuyện với nhau thì mỗi người phải thực tập thiền ít nhất 15 phút cho tâm lắng đọng rồi thử đặt mình vào vị trí của người kia rồi từ từ nhớ lại những việc làm, lời nói, thái độ cư xử của mình với người đó và với cương vị là người đó mình sẽ xử lí tình huống như thế nào.
Ở đây quan trọng nhất là yếu tố thiền tập và bình tĩnh. Nếu không làm được hai điều này thì mọi cố gắng đều không mang đến kết quả tích cực.
Và nếu như đã cố gắng hết sức mà vẫn không mang đến một kết quả tích cực thì li hôn chỉ là chuyện sớm chiều mà thôi, mình phải chuẩn bị tâm thế để đối diện và chấp nhận sự thật ấy. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải ý thức rõ sự chung thủy phải được xây dựng trên nền tảng của sự hòa hợp và hạnh phúc. Nếu đã không còn hòa hợp, không còn hạnh phúc khi sống chung với nhau nữa thì càng níu kéo càng làm khổ cho nhau. Ở đây không phải khuyến khích sự dung tục nhưng việc gì đến thì sẽ đến, nước đầy ly nếu tiếp tục rót thì sẽ tràn. Sống chung với nhau càng lúc càng bất hòa, đau khổ thì chia tay là một hệ quả tất nhiên.
Cũng có người vì đổ vỡ hạnh phúc, gia đình mà quyên sinh. Đây là một việc làm rất sai lầm. Cuộc đời mỗi người chúng ta đều có vô vàn mối quan hệ. Quan hệ đầu tiên và lớn nhất là cha mẹ – những người có thể đã hy sinh cả cuộc đời của họ cho mình, sinh mình ra, nuôi mình lớn, vất vả làm lụn để kiếm tiền lo cho mình ăn học thành tài…; kế đến nữa là anh chị em trong nhà; sau đó mới đến mối quan hệ vợ chồng, bạn bè, công việc…; và mối quan hệ khăn khít, quan trọng nhất đối với mình đó là con mình. Có vô số mối quan hệ như thế, thế thì tại sao vì một mối quan hệ mà chúng ta có thể kết liễu đời mình để cô phụ tất cả các mối quan hệ còn lại. Tại sao vì một người không còn tâm ý gì với mình nữa mà sơ vơ sững vững, mất phương hướng, mất cả lẽ sống thậm chí mất cả sự sống?
Mọi thứ trên đời đều đi qua quá trình hợp rồi tan, tan rồi hợp không có điểm đầu và điểm kết thúc. Sự đổ vỡ nào cũng gây tổn thất và đau khổ nhưng sau đó thì sẽ bắt đầu cho một chu kỳ mới tốt đẹp hơn. Chúng ta cố gắng nghĩ và hướng đến những điều tích cực thì cuộc sống luôn vui vẻ tốt đẹp.
Người đọc: PT Nhuận Ý