PHÁP HÀNH

1. Dụng cụ cần chuẩn bị

Tọa cụ: Tấm lót ngồi khoảng 8 tấc vuông, có thể là tấm vải hoặc tấm mút để lót bên dưới bồ đoàn và hai chân.

Bồ đoàn: Dụng cụ hình tròn để ngồi lên, đường kính khoảng 2 tấc, chiều cao cũng khoảng 2 tấc khi ngồi ép xuống còn 1 tấc là vừa.

Vật kê tay: Có thể dùng gối nhỏ hoặc cái khăn xếp lại chêm vào chỗ trũng ở lòng bàn chân để cân bằng hai bàn tay khi ngồi.

Chú ý: Trường hợp chưa trang bị tọa cụ và bồ đoàn chuyên dụng cho việc tọa thiền thì có thể dùng một cái gối, hoặc chăn xếp lại để ngồi. Công dụng chủ yếu của tọa cụ và bồ đoàn là chêm chân, nâng xương cùng và phân mông lên để giúp lưng thẳng một cách tự nhiên trong lúc ngồi.

2. Tư thế ngồi, nhập và xả thiền

a.Tư thế ngồi:

Kiết già: Chân trái gác lên đùi phải, chân phải gác lên đùi trái, tay phải để lên tay trái (việc tay, chân nào để trên hay dưới cũng có thể thay đổi theo tay và chân thuận của mỗi người), hai ngón cái chạm nhau. Mắt nhắm hay mở tùy theo người tỉnh hay thường buồn ngủ, tầm nhìn vừa phải tùy người cao thấp, nhưng thường là mở một phần ba, tầm nhìn không quá sáu tấc từ giao điểm giữa hai chân. Hai trái tai đối xứng với hai bả vai. Chót mũi hướng ngay giữa rốn và đầu hai ngón tay cái. Ngồi không quá thẳng cũng không quá dùn (lưng cong và đầu cúi dễ sanh hôn trầm).

Bán già: Cách thức cũng như ngồi kiết già, có điều chỉ gác một chân lên trên, tùy theo chiều thuận riêng của mỗi người, gác chân phải hay trái lên trên cũng được, không bắt buộc.

b. Nhập thiền:

Đến giờ tọa thiền, trải tọa cụ ra, đặt bồ đoàn lên trên tọa cụ. Ngồi lên bồ đoàn, xương cùng đúng giữa bồ đoàn, nghiêng qua nghiêng lại cho an ổn, sau đó mới kéo chân ngồi. Nới rộng dây lưng, cổ áo, sửa thân ngay thẳng.

Chuyển thân ba lần từ mạnh đến nhẹ. Điều hơi thở, hít vô bằng mũi thở ra bằng miệng. Hít vô tưởng không khí trong sạch vào khắp châu thân, thở ra tưởng phiền não, bệnh tật đều được tiêu trừ. Thở từ mạnh dần đến nhẹ, như vậy ba lần, rồi thở lại bình thường bằng mũi.

Giữ mặt tươi, bình thản, môi và răng vừa khít nhau.

c. Xả thiền:

Khi xả thiền, trước thầm đọc bài Hồi hướng:

Nguyện đem công đức này

Hướng về khắp tất cả

Đệ tử và chúng sanh

Đều trọn thành Phật đạo.

Thở ba lần từ nhẹ đến mạnh, cũng hít vô bằng mũi, thở ra bằng miệng. Hít vô tưởng máu huyết lưu thông khắp châu thân, thở ra tưởng phiền não bệnh tật đều được tiêu trừ. Kế đến:

Ðộng hai bả vai lên xuống, mỗi bên 5 lần.

Cúi ngước đầu lên xuống 5 lần.

Xoay đầu sang phải, sang trái mỗi bên 5 lần, cúi ngước trở lại một lần cho quân bình.

Co duỗi hai bàn tay.

Động thân từ nhẹ đến mạnh 7 lần.

Lần thứ 7 dời hai bàn tay ra hai đầu gối, nhấn mạnh xuống.

Kế đến xoa mặt, hai lỗ tai, đầu, gáy, cổ trước mỗi chỗ 20 lần.

Kế đến xoa vai, tay, dài xuống hông, mỗi bên 5 lần.

Xoa lưng, ngực, bụng từ trên xuống, mỗi chỗ 5 lần.

Xoa hai bên mông đùi, chà dài xuống dọc hai bên đầu gối.

Chà xát hai ngón tay giữa cho nóng rồi xoa vào mắt, đẩy chà từ ngoài vào trong hoặc từ trong ra ngoài tùy mỗi người, mỗi bên 5 lần.

Kế tay nắm đầu ngón chân cái kéo xả chân ra. Xoa xuống xoa lên hai chân cho máu huyết lưu thông, rồi xoa lòng hai bàn chân. Sau cùng duỗi thẳng hai chân, đưa hai tay từ bắp chân thẳng xuống đầu hai bàn chân ba lần (vẫn ngồi trên bồ đoàn). Sau đó bỏ bồ đoàn ra và xoa bóp thêm cho thật kỹ.

Thời gian xả thiền từ 10 đến 15 phút.[1]

3. Dụng công trong lúc ngồi thiền

a. Sổ tức:

Sổ là đếm, tức là hơi thở. Sổ tức quán là quan sát hơi thở ra vô, đếm từ 1 đến 10.

Có hai cách sổ tức: nhặt và khoan.

Nhặt: Hơi thở vào đếm 1, hơi thở ra đếm 2,… lần lượt đến 10, rồi bắt đầu lại từ 1.

Khoan: Hơi thở vào và ra đếm 1, hơi thở vào và ra đếm 2, lần lượt đến 10 rồi bắt đầu lại từ 1.

Cứ đếm như vậy trong suốt thời gian tọa thiền. Nếu trong lúc đếm từ 1 đến 10, nửa chừng quên hoặc nghi lộn số thì bắt đầu trở lại từ 1.

Sau một thời gian tu tập, hành giả đếm thuần thục không còn lộn số nữa thì bước qua giai đoạn Tùy tức.

b. Tùy tức:

Tùy là theo, tức là hơi thở. Tùy tức là theo dõi hơi thở, ý thức rõ suốt tiến trình vào và ra của hơi thở.

CHÚ Ý: Đối với hai pháp Sổ tức và Tùy tức. Hành giả để hơi thở vào ra một cách tự nhiên, tuyệt đối không được can thiệp vào hơi thở. Hơi thở vào dài ý thức rõ vào dài, ra dài ý thức rõ ra dài; vào ngắn ý thức rõ vào ngắn, ra ngắn ý thức rõ ra ngắn.

c. Tri vọng

Tri là biết, vọng là những ý niệm lăng xăng trong đầu. Tu tập giai đoạn Tri vọng tức tập nhận diện những ý niệm lăng xăng khởi lên trong đầu chúng ta. Khi nhận diện được chúng thì biết đó chỉ là vọng tưởng, ngay đó buông bỏ không để nó dẫn đi. Tri vọng được chia thành hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Biết vọng bằng ý thức

Giai đoạn này hành giả chưa sống được với chân tâm, tạm mượn ý thức làm chủ thể để nhận biết và vọng tưởng là đối tượng nhận biết của ý thức. Việc này giống như trạng thái mèo rình chuột, hành giả cố để cho ý thức nằm yên chờ vọng tưởng khởi lên liền bắt lấy. Nhận biết được vọng tưởng càng nhiều chứng tỏ định lực càng lớn, định lực càng lớn thì tiếp theo vọng tưởng sẽ lặng dần, đồng nghĩa tâm tỉnh lặng cũng lớn dần.

Giai đoạn 2: Biết vọng bằng chân tâm

Khi vọng tưởng thưa dần và tâm tỉnh lặng lớn dần, sức tỉnh giác của hành giả càng lúc càng lớn. Lúc này hành giả không chỉ nhận biết được Phần động (vọng tưởng) mà còn nhận diện được cả Phần tĩnh (tâm thanh tịnh). Đến đây cái biết mới thường trực, nhà thiền gọi là “hằng tri hằng giác”; hay chân tâm – ông chủ thật sự hiện tiền. Sống được với chân tâm tròn đồng thái hư thì những vọng tưởng khởi lên chỉ như những hạt bụi, cánh nhạn trong bầu trời. Bầu trời dung chứa, rõ biết chúng mà không hề bị chúng làm thương tổn. Chân tâm cũng như vậy. Đến giai đoạn này hành giả không còn áp lực trong việc tu tập, mọi thứ đều không ra khỏi sự nhận diện của chân tâm.

  1. Chân tâm hiện tiền (biết có chân tâm)

Đây là giai đoạn hành giả sống trọn vẹn với bản tâm thanh tịnh tròn đầy, có thể nhập thế, tùy duyên mà vẫn an nhiên, tự tại.

[1] Căn cứ “Nghi khóa Thiền phái Trúc Lâm“, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2019.

CHƯƠNG TRÌNH TU HỌC & PHẬT SỰ THÁNG 10/2024

CHƯƠNG TRÌNH TU HỌC & PHẬT SỰ THÁNG 10/2024

NGÀYCHIA SẺ PHẬT PHÁP & PHẬT SỰChủ  Nhật 06/10/2024 (04/09/Giáp Thìn)Thượng tọa Thích Trúc Thông Phổ: Chia sẻ Phật pháp Đại đức Thích Minh...
Làm sao giảm bớt suy nghĩ tiêu cực ?

Làm sao giảm bớt suy nghĩ tiêu cực?

HỎI:Trong cuộc sống hằng ngày, đôi lúc con thường suy nghĩ tiêu cực, đôi khi lại cảm thấy cuộc đời thật trống rỗng. Mong...
Làm cách nào để giảm sân si trong con thưa Thầy?

Làm cách nào để giảm sân si trong con thưa Thầy?

Hỏi: Con cảm thấy mình hay sân si và con rất ghét cái xù xì ấy của mình. Làm cách nào để giảm sân...

Vu lan thắng hội PL.2568 – DL.2024 tại Thiền viện Tuệ...

Vào các ngày 17-18/08/2024 (nhằm 14-15/07 Giáp Thìn), Thiền viện Tuệ Quang đã long trọng tổ chức Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu (PL.2568...

CHƯƠNG TRÌNH TU HỌC & PHẬT SỰ THÁNG 09/2024

NGÀYCHIA SẺ PHẬT PHÁP & PHẬT SỰThứ Bảy - Thứ Hai 31/08 - 02/09/2024 (28-30/07/GT)KHÓA TU TRUYỀN THỐNG(Khóa thiền 3 ngày)Đến form đăng kýChủ ...