Thông thường khi tiếp xúc và tu tập theo đạo Phật, mọi người sẽ đặt cho mình những mục tiêu như: Tu để thành Phật, tu để chứng đắc cảnh giới niết bàn, tu để vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc, … tuy nhiên còn một phương diện rất quan trọng và thiết thực trong đời sống mà ít người hướng đến đó là: TU ĐỂ THÀNH CÔNG HƠN TRONG CÔNG VIỆC VÀ HẠNH PHÚC HƠN TRONG CUỘC SỐNG.

CHÁNH NIỆM TRONG CÔNG VIỆC
CHÁNH NIỆM TRONG CÔNG VIỆC


Có ba nguyên nhân khiến việc làm kém hiệu quả và cuộc sống ít hạnh phúc mà mọi người thường mắc phải là:

  • Đối với công việc mà mình thích thú, đam mê thì sẽ làm quên ăn, bỏ ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe và khiến công việc không thể tiếp tục lâu dài. Trường hợp này, công việc là ông chủ sai khiến và người làm là công nhân, nô lệ cho công việc.
  • Đối với công việc mà mình không thích, hoặc vì cuộc sống không thể không làm thì làm trong sự miễn cưỡng, tâm trạng uể oải nên hiệu quả công việc nhất định không cao.
  • Trong lúc làm việc này lại nghĩ đến việc khác, không tập trung vào công việc đang làm. Do đó sẽ không thể làm tốt nếu là những công việc đòi hỏi sự tinh tế và độ tinh xảo cao.


Tất cả pháp môn trong đạo Phật như tụng kinh, niệm Phật, trì chú, tọa thiền, … đều không ngoài mục đích giúp mọi người đem tâm về với thân, sống được với giờ phút hiện tại. Trong đó đặc biệt là pháp môn Thiền. Ngoài việc tọa thiền giúp tăng cường định lực, tăng cường khả năng làm chủ những cảm xúc buồn, vui, thương, ghét phát sinh khi tương tác với thế giới bên ngoài; thiền còn có thể ứng dụng tu tập ngay trong công việc hằng ngày – Chánh niệm trong công việc để tăng hiệu quả việc làm.


Chánh niệm trong công việc là đem tâm về với công việc mình đang làm; hay nói theo lời Thiền sư Thích Thanh Từ là “làm cái gì biết mình làm cái đó”. Có thể phân làm hai cấp độ:

  • Môi trường công việc cần phải nhanh: Chỉ cần để hết tâm vào công việc không suy nghĩ chuyện khác, mỗi khi có một ý niệm khác khởi lên thì nhận diện chúng rồi bỏ đi và đặt tâm trở lại công việc đang làm.
  • Công việc không bị áp lực thời gian: Tập làm chậm lại so với bình thường, để tâm vào từng động tác, cố gắng ý thức trọn vẹn tiến trình của từng động tác từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc.

Chánh niệm trong công việc giúp người thực hành biết rõ mình đang làm gì, công việc đang diễn tiến ra sao, từ đó cảm nhận sâu sắc hơn về sản phẩm được làm ra cũng như tính hiệu quả trong công việc mình đang đảm trách. Vì thế khắc phục được nguyên nhân làm việc kém hiệu quả thứ ba. Đồng thời nhờ nhiếp tâm trọn vẹn trong công việc nên không có thời gian suy nghĩ đến những việc khác, so tính thiệt hơn, đứng núi này trông núi nọ, … nên loại trừ được tâm niệm buồn chán, khắc phục được nguyên nhân thứ hai. Ý thức rõ mình đang làm gì, vui vẻ với công việc mình đang làm nên làm nhiều mà không cảm giác mệt mỏi, do đó cũng loại trừ được nguyên nhân đầu tiên.

Ứng dụng thiền trong đời sống – chánh niệm trong công việc sẽ giúp mọi người cảm nhận mọi thứ xung quanh sâu sắc hơn, ứng xử đúng mực hơn, từ đó dẫn đến công việc hiệu quả hơn và cuộc sống cũng tốt đẹp hơn.


THIỀN VIỆN TUỆ QUANG

Người đọc: Phật tử Nhuận Ý