a. Sổ tức:
Sổ là đếm, tức là hơi thở. Sổ tức quán là quan sát hơi thở ra vô, đếm từ 1 đến 10.
Có hai cách sổ tức: nhặt và khoan.
Nhặt: Hơi thở vào đếm 1, hơi thở ra đếm 2,… lần lượt đến 10, rồi bắt đầu lại từ 1.
Khoan: Hơi thở vào và ra đếm 1, hơi thở vào và ra đếm 2, lần lượt đến 10 rồi bắt đầu lại từ 1.
Cứ đếm như vậy trong suốt thời gian tọa thiền. Nếu trong lúc đếm từ 1 đến 10, nửa chừng quên hoặc nghi lộn số thì bắt đầu trở lại từ 1.
Sau một thời gian tu tập, hành giả đếm thuần thục không còn lộn số nữa thì bước qua giai đoạn Tùy tức.
b. Tùy tức:
Tùy là theo, tức là hơi thở. Tùy tức là theo dõi hơi thở, ý thức rõ suốt tiến trình vào và ra của hơi thở.
CHÚ Ý: Đối với hai pháp Sổ tức và Tùy tức. Hành giả để hơi thở vào ra một cách tự nhiên, tuyệt đối không được can thiệp vào hơi thở. Hơi thở vào dài ý thức rõ vào dài, ra dài ý thức rõ ra dài; vào ngắn ý thức rõ vào ngắn, ra ngắn ý thức rõ ra ngắn.
c. Tri vọng
Tri là biết, vọng là những ý niệm lăng xăng trong đầu. Tu tập giai đoạn Tri vọng tức tập nhận diện những ý niệm lăng xăng khởi lên trong đầu chúng ta. Khi nhận diện được chúng thì biết đó chỉ là vọng tưởng, ngay đó buông bỏ không để nó dẫn đi. Tri vọng được chia thành hai giai đoạn:
Giai đoạn 1: Biết vọng bằng ý thức
Giai đoạn này hành giả chưa sống được với chân tâm, tạm mượn ý thức làm chủ thể để nhận biết và vọng tưởng là đối tượng nhận biết của ý thức. Việc này giống như trạng thái mèo rình chuột, hành giả cố để cho ý thức nằm yên chờ vọng tưởng khởi lên liền bắt lấy. Nhận biết được vọng tưởng càng nhiều chứng tỏ định lực càng lớn, định lực càng lớn thì tiếp theo vọng tưởng sẽ lặng dần, đồng nghĩa tâm tỉnh lặng cũng lớn dần.
Giai đoạn 2: Biết vọng bằng chân tâm
Khi vọng tưởng thưa dần và tâm tỉnh lặng lớn dần, sức tỉnh giác của hành giả càng lúc càng lớn. Lúc này hành giả không chỉ nhận biết được Phần động (vọng tưởng) mà còn nhận diện được cả Phần tĩnh (tâm thanh tịnh). Đến đây cái biết mới thường trực, nhà thiền gọi là “hằng tri hằng giác”; hay chân tâm – ông chủ thật sự hiện tiền. Sống được với chân tâm tròn đồng thái hư thì những vọng tưởng khởi lên chỉ như những hạt bụi, cánh nhạn trong bầu trời. Bầu trời dung chứa, rõ biết chúng mà không hề bị chúng làm thương tổn. Chân tâm cũng như vậy. Đến giai đoạn này hành giả không còn áp lực trong việc tu tập, mọi thứ đều không ra khỏi sự nhận diện của chân tâm.
d. Chân tâm hiện tiền (biết có chân tâm)
Đây là giai đoạn hành giả sống trọn vẹn với bản tâm thanh tịnh tròn đầy, có thể nhập thế, tùy duyên mà vẫn an nhiên, tự tại.