Như nhiều năm, mỗi lần có kỳ nghỉ Lễ dài ngày, các thiền sinh của Thiền viện Tuệ Quang lại rời xa phố thị, gia đình, trở về Thiền viện tham gia khóa tu thiền, rời những lo toan của cuộc mưu sinh, để đắm mình trong những giờ phút thanh thản, tràn đầy đạo vi, thực hành Chậm – Nhẹ – Mỉm cười bên cạnh các bạn đạo, dưới sự dẫn dắt của quý Thầy.
Quý Thầy ở bàn làm thủ tục nhập chúng cho hay số người đăng ký tham gia khóa tu vượt ngoài dự kiến, đã trên 200 người. Buổi sáng đầu tiên, chờ làm Lễ tại Chánh điện thật vui khi thấy nhiều nam thanh, nữ tú, gương mặt trẻ măng, lần lượt bước vào. Dữ liệu đăng ký cho thấy số người trẻ dưới 30 và mới tham gia lần đầu khoảng trên 60%, trong đó có đến 80 bạn chưa Quy y Tam bảo .
Thời khóa hàng ngày bắt đầu từ 3h30 sáng và kết thúc vào 21h30. Thức dậy lúc 3 giờ sáng để tọa thiền đã trở thành nếp sống thường nhật đối với những thiền sinh lâu năm nhưng thật bất ngờ khi thấy hầu hết các thiền sinh mới độ tuổi đôi mươi, tuổi ăn tuổi ngủ, luôn có mặt đúng giờ tại thiền đường trong suốt thời gian 4 ngày.
Nhớ nhiều năm trước khi bắt đầu thực tập thiền tôi đã không qua được 15 phút, phải rất nhiều ngày tháng vượt qua những đau nhức của chân, của lưng, mới có thể kiết già và giữ thân yên trong suốt thời thiền tại các thiền viện của tông môn. Vậy mà tại đây, các thiền sinh mới theo đủ mỗi ngày 4 thời thiền, thời thiền tối và sáng sớm 1 tiếng, thời thiền sáng và chiều 30 phút.
Về tâm, sau bao năm thực tập, thật là ngại, tôi còn bị hôn trầm, ngồi bị nghiêng, Thầy sửa hoài. Qua hình ảnh do quý Thầy đưa lên, các bạn trẻ dáng ngồi thẳng tắp, gương mặt ngay ngắn sáng sủa, thật cảm phục. Chắc là thân các bạn cũng đau, tâm các bạn chưa định nhưng sự nỗ lực của các bạn là rõ ràng, thấy được.
Những buổi nghe giảng, hàng trăm người im phăng phắc để nghe như rót từng lời dạy. Những bước đi thiền hành rón rén, lạ lẫm nhưng nhẹ dần qua từng ngày. Ngoài ngồi thiền, các thiền sinh thực hành Chậm – Nhẹ – Mỉm cười, ngày 1 chậm, ngày 2 nhẹ, ngày 3 Mỉm cười (tịnh khẩu), ngày 4 Chậm – Nhẹ – Mỉm cười. Thầy hỏi, ai từ sáng tới giờ không nói? Giữ nghiệp miệng thật không dễ, dường như không ai thực hành được trọn vẹn nhưng đã có sự chú tâm vào mỗi hành động của thân, tiếng đặt ghế đã nhẹ dần, hễ có tiếng nói là lập tức nhắc nhau bằng ngón tay để dọc trên miệng.
Rồi thiền lao tác, nhờ tinh thần phụng sự của số đông người trẻ mà mọi công việc từ vệ sinh thiền đường, khu vệ sinh, phòng ngủ, sân vườn và giặt tay (máy giặt mấy nhiều thời gian) phơi hàng trăm mền, chiếu, vỏ gối trong ngày cuối, đã hoàn thành thật nhẹ nhàng, gọn ghẽ.
Buổi Thiền trà cuối khóa đã bộc lộ đầy đủ tinh thần và thái độ với Đạo Phật, với Thiền của người trẻ. Các bạn rất mạnh dạn giơ tay bộc lộ cảm nghĩ, đặt câu hỏi. Những lời phát biểu mạch lạc, chân thành gửi đến quý Thầy lòng biết ơn vì đã tổ chức khóa tu chu đáo, ý nghĩa, mang đến nhiều lợi lạc. Các câu hỏi thể hiện sự băn khoăn về con đường tu tập trong cuộc sống, về chính bản thân mình: Con đọc sám hối, hay nghĩ lại quá khứ, thấy nhiều tội quá, Đạo Phật dạy không nghĩ về quá khứ, không tưởng tới tương lai, con phải làm sao? Làm sao có thể giữ chánh niệm, chậm – nhẹ – mỉm cười khi áp lực công việc hàng ngày quá lớn? Con có thể thân thiện với người bên ngoài, làm sao có thể thân thiện, thương yêu với người trong gia đình? Một bạn nam trẻ đặt câu hỏi về nhân thiện, ác của đời nhà Trần: Vua Trần Nhân Tông tu theo Phật nhưng đã đánh đuổi quân Nguyên Mông không chỉ một lần mà ba lần.
Các câu trả lời của Thầy Trụ trì – Minh Tuệ, các giảng sư: Thầy Tuệ Tu và Thầy Minh Công thật thuyết phục, nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng. Trả lời câu về nhân quả, thiện ác đời nhà Trần, quý Thầy nói “làm ác thì phải nhận quả dữ, làm thiện nhận quả lành, luật nhân quả luôn đúng, nhưng nhân quả là chuỗi đan xen, không có thiện nào là thiện hoàn toàn, cũng như không có một ác nào ác hoàn toàn. Một làng quê nghèo cách trở bởi con sông, bạn phát tâm xây 1 cây cầu bắc qua sông là hành động cơ bản thiện. Cây cầu sẽ mang đến cho dân làng Thầy giáo, bác sỹ, cơ hội giao thương nhưng nó cũng sẽ thuận tiện hơn cho những tên ăn cắp, là phương tiện để mang đến làng những tệ nạn. Là Phật tử, nhà Vua hẳn biết là sẽ phải nhận quả do giết người nhưng trách nhiệm của Vua là bảo vệ đất nước, bảo vệ người dân nên phải đánh giặc để bảo vệ giang sơn, bờ cõi. Vậy nên gieo nhân gì, gặt quả gì là một sự lựa chọn.”
Trong tập 2 của Tông môn cảnh huấn, Hòa Thượng- Thiền sư Thích Thanh Từ dạy “tu thiền là soi sáng lại chính mình. Nghĩa là, lúc chưa biết tu thì để sáu căn đuổi theo sáu trần, bây giờ biết tu thì không để sáu căn phóng ra ngoài mà quay trở lại soi sáng chính mình”.
Thời 4.0, lại là kỳ nghỉ dài ngày, ngoài kia rất nhiều thú vui: du lịch, phượt, vào Bar, Pub, chơi game, chơi thể thao, yoga hay lên mạng… nhưng thật là vui khi nhiều người trẻ giành thời gian tham gia khóa tu thiền, không dính mắc vào những thú vui kia để tĩnh tâm quay trở lại soi sáng chính mình.
Xã hội sẽ được an vui vì có thêm nhiều người biết tự soi mình, gia đình sẽ được hòa thuận vì có thêm nhiều người trẻ mang về tình thương yêu. Thiền sẽ lan tỏa và mang sức sống đến mọi nơi với sự tham gia của nhiều người trẻ.
Vài cảm nghĩ vui của một Thiền sinh lâu niên sau khóa tu 4 ngày tại Thiền viện Tuệ Quang.
Chơn Niệm Tuệ
Xem lại video Khoảnh khắc đáng nhớ trong Khóa tu thiền Truyền Thống tại Thiền viện Tuệ Quang dịp lễ 30-4-2023