NHẸ NHÀNG ĐỂ TU

Buổi nói chuyện hôm nay, chúng tôi nói đề tài “Tu một cách nhẹ nhàng”. Chúng ta cùng nhau ôn lại gương của các vị tu hành thuở trước để Phật tử bắt chước theo đó mà tu.

Như chúng tôi đã nói rất nhiều lần, không phải đợi xuất gia, ở chùa, có điều kiện thuận lợi đầy đủ ta mới tu.

Với hoàn cảnh hết sức bình thường, làm sao phổ được việc tu vào trong sinh hoạt thường nhật một cách chậm rãi, nhẹ nhàng, từng bước từng bước, song mỗi bước đều chắc thực, không trợt té bao giờ. Nghĩa là chúng ta không bao giờ thối lùi mà luôn tiến lên. Thà đi chậm, mà đi bước nào chắc bước nấy, chớ đừng đi nhanh rồi dễ té ngã hoặc thoái hóa, không tốt.

Người biết tu là tu trong ăn mặc ngủ nghỉ, tất cả sinh hoạt của mình. Ngày xưa các bậc tôn trưởng, nhất là thời đức Phật còn tại thế, những vị làm việc lớn, làm gương cho chúng đều là những vị đời sống hết sức bình thường, trong việc ăn việc nghỉ, làm việc, tiếp xúc… không có gì cầu kỳ khác lạ. Các ngài không thể hiện thần thông lực dụng hoặc tư cách siêu việt mà người đời không vói tới. Các Ngài là những con người rất bình thường như chúng ta nhưng tu tập rất thành công.

Thời Phật còn tại thế, hai vị đại đệ tử đại diện cho Phật coi sóc ổn định việc trong chúng là Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Mục-kiền-liên. Kế đến có các ngài như A-nan, Phú-lâu-na, Ca-diếp, Tu-bồ-đề, Ca-chiên-diên… những vị này có đời sống sinh hoạt rất bình thường, không có gì cầu kỳ, cũng không có ưu thế đặc biệt của thần linh nào ban cho. Chính hai Tôn giả Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên trước khi gặp Phật cũng vất vả lắm, các Ngài trải qua những khó khăn tu tập theo ngoại đạo và đã thành công. Nhưng sau đó phát hiện kết quả của ngoại đạo không đi tới giác ngộ giải thoát, không giải quyết tận căn để mầm mống khổ đau sanh tử luân hồi của con người, nên các ngài mới quy hướng theo đức Phật. Bằng ý chí, nguyện lực và trí tuệ của mình, các ngài tu tập theo sự hướng dẫn của đức Thế Tôn, đã tự chiến thắng mình, thành tựu Thánh quả và chói sáng hào quang trong số đại đệ tử của Như Lai. Các ngài bước bước nào là chắc chắn bước ấy, chứ không bước trượt, cũng không nhảy vọt rồi khựng lại hay thoái hóa.

Như trường hợp Ngài A-thù là một bậc tu hành chân chánh, lại thuộc dòng họ Thích-ca. Pháp hội của Ngài có rất nhiều cư sĩ tu hành đạt kết quả tốt. Trong số đó có một cư sĩ lớn tuổi, hiểu và áp dụng được Phật pháp vào đời sống nên ông rất hoan hỷ, không có niềm vui nào sánh kịp sự tu hành hằng ngày của ông. Do đó đạo tâm tăng trưởng, trí tuệ tăng trưởng, niềm vui tăng trưởng. Nhưng còn một chút xíu là ông có hai người thân, một là cậu con trai còn nhỏ tuổi, hai là đứa cháu trai cũng nhỏ tuổi. Cả hai đều là người thừa kế trong tông tộc, nhưng rất tiếc còn nhỏ quá. Ông biết mình lớn tuổi, mạng sống không bao lâu, bây giờ phải ký thác gia sản như thế nào để sau này hai người có điều kiện kế thừa.

Ông liền đến bạch với ngài A-thù: “Bạch ngài! Con có một số tài sản mà một đứa con trai và một đứa cháu trai còn nhỏ quá, con không biết phải giao cho đứa nào. Sau này, nếu con có qua đời, hai đứa nó lớn lên, ngài thấy đứa nào tin kính Tam bảo thì được kế thừa sự sản của con”. Tôn giả A-thù với tư cách là thầy mà cũng là người trong giòng tộc, nên ngài hoan hỷ nhận lời. Khi hai đứa nhỏ lớn lên, người con không được kế thừa mà người cháu được kế thừa. Vì người cháu theo sự hướng dẫn của ngài A-thù, tu hành tăng tiến, vững niềm tin đối với Tam bảo, phát huy đạo hạnh, trí tuệ của mình đúng như sở nguyện của vị cư sĩ khi còn sinh tiền.

Một hôm người con của vị cư sĩ đến thăm Tôn giả A-nan, bạch với ngài rằng: “Thưa ngài! Thường như cha mẹ chết, của cải để lại, ai là người được kế thừa?” Tôn giả trả lời: “Cha mẹ để của lại thì con kế thừa chứ ai nữa”. Vị này nghe nói như thế, thưa tiếp: “Vậy tại sao khi cha tôi chết, Tôn giả A-thù lại sắp đặt cho người cháu kế thừa, mà tôi không được kế thừa?”. Ngài A-nan nghe trình bày như thế, mới gặp A-thù hỏi qua sự tình. Từ đó hai Tôn giả bất đồng quan điểm với nhau về sự việc này.

Bấy giờ một số các vị trong giòng họ Thích, thấy hai Tôn giả chung giòng tộc lại có ý kiến bất hòa như thế, khiến đại chúng xôn xao nên họ tìm cách để hai vị dung hòa trở lại. Một hôm La-hầu-la đến, Phật tử mới họp lại trình bày sự việc trên, đồng thời cho biết phía quần chúng chấp thuận theo quan điểm của ngài A-thù. Họ xin Tôn giả hoan hỷ tìm cách thức nào để hai vị kia thuận hòa. Ngài La-hầu-la nói: “Không có gì lạ, hôm nào Tôn giả A-nan đến, các vị ra đón ngài, ai có con nhỏ ẵm theo. Khi chào Tôn giả xong, thả mấy đứa nhỏ xuống. Chúng sẽ khóc. Bấy giờ Tôn giả có hỏi tại sao các ngươi lại đành lòng bỏ con như thế, các vị trả lời “Cái đau lòng này không bằng sự kiện xảy ra giữa hai Tôn giả không hòa hợp nhau. Bao giờ hai vị hòa hợp nhau, chúng tôi mới ẵm chúng lên”. Đó là kế sách Tôn giả La-hầu-la bày ra để hai vị Tôn trưởng thông cảm hòa hợp nhau.

Đúng như vậy, ngài A-nan đến, hàng mấy trăm phụ nữ Phật tử giòng họ Thích-ca ẵm con ra vui mừng đón Ngài, sau đó bỏ mấy đứa nhỏ xuống đất hết, chúng khóc la um sùm. Ngài A-nan thắc mắc: “Lạ thế, vì sao bữa nay các vị bỏ con mình xuống đất hết?” Phật tử trả lời như La-hầu-la đã chỉ vẽ. Ngài A-nan liền họp chúng trở lại, mời Tôn giả A-thù đến, ngài hạ mình sám hối. Bấy giờ ngài A-thù mới kể lại lời di chúc ngày xưa của vị cư sĩ già. Ngài A-nan hiểu ra, thông cảm và sám hối ngài A-thù. Hai ngài hòa hợp trở lại với nhau. Đại chúng vô cùng hoan hỷ.

Một việc hết sức thông thường, nhưng lại bị gút. Cho nên chúng ta thường lại vướng ở những sự việc không đáng chi. Vì mình không đủ sáng suốt, đứng bên lề này ở lề kia, đều sanh ra gút mắc. Làm sao đả thông được? Sau khi Tôn giả A-nan sám hối Tôn giả A-thù rồi, sự việc được trình bày rõ ràng, cả hai vị đều muốn đạo giáo thịnh hành, Phật tử tin kính Tam bảo, tu hành theo sự hướng dẫn của chư tăng, tu hành có kết quả. Vì lý tưởng chung như thế, nên phải dẹp hết những gút mắc riêng tư.

Chúng ta cũng thế. Những mâu thuẫn nhỏ nếu không được giải tỏa, tháo gỡ thì càng ngày càng có những ranh vức, gai gốc, sự cố xảy ra rồi cứ trôi xa dần như nước xa nguồn, cuối cùng đi đến chỗ chia rẽ bên này bên kia rồi dẫn tới chiến tranh. Qua câu chuyện, chúng ta thấy ngay trong cuộc sống của mình, từ những ý niệm, lời nói nếu chưa kiểm soát kịp sẽ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Khi có một người nào đóng góp ý kiến, mình phải chịu khó lắng nghe. Chịu khó nghe để tìm sự cảm thông, cùng giải quyết cho ôn hòa. Nếu ta cứ khư khư giữ ý kiến của mình cho là đúng, thì làm sao phổ được đạo lý trong đời sống. Như thế việc tu hành rất khó khăn, càng tu càng thấy gai góc hiểm trở, không thể vượt qua được.

Hòa thượng thường dạy những ý tưởng, những sắp đặt, những cơ đồ sự nghiệp, tất cả mọi thứ đều tựa trên một hơi thở mượn vào, trả ra. Sự vay mượn này cắt đứt thì thôi, tất cả đều buông. Dù cho sự nghiệp gì, sắp xếp lớn lao bao nhiêu, hơi thở không còn nữa thì đứt, không có gì để nói nữa. Nhất là thời điểm của chúng ta, những sự cố bệnh hoạn, thiên tai, ngày càng dồn dập. Có những vị cách đó năm ba phút còn đứng trước mọi người trình bày vấn đề này kia, trình bày quan điểm ý kiến của mình, nhưng vài phút sau đó, khi mà sư vay mượn không còn nữa thì tất cả đều buông, buông trong đột ngột. Đó là những bằng chứng cụ thể cho chúng ta thấy cuộc đời mong manh giả tạm là vậy.

Người tu Phật, hơn ai hết, làm sao trong sinh hoạt hằng ngày, bỏ hết những gây cấn, xếp đặt sinh hoạt một cách hết sức nhẹ nhàng. Lời của tổ Nhân Tông dạy thật thâm thúy vô cùng “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên” hay một cổ đức khác có nói “Nhập thế thì phải tùy duyên, đó là điều không thể chê trách được”. Như câu chuyện tôi vừa kể, chúng ta thấy cở như Tôn giả A-nan mà sẵn sàng hạ mình sám hối người huynh đệ để giữ gìn hòa khí tu hành. Chúng ta đừng quan niệm các ngài là Thánh mới làm được chuyện đó, còn chúng ta phàm phu tục tử không thể làm được. Không phải thế. Chúng ta cũng có khả năng ấy, người xưa được như thế, ta cũng phải được như thế, đừng ôm lòng tự ti mặc cảm mà không thể tiến đạo.

Người tu nếu vì danh lợi mà sân si tật đố, phá hòa hợp tăng, đó là điều đáng buồn nhất. Cho nên chúng ta phải khắc phục, khống chế tham sân điên đảo, sự tu mới tiến. Đừng để tham si xen vô, nó khuynh loát làm đảo loạn công phu của mình. Tu mà không chịu sửa đổi là có tội. Nếu ai cũng nuôi dưỡng tập khí tham sân si thì không thể gọi là người tu được. Khi nhận thấy khuyết điểm, hạ mình sám hối tức khắc, đó là con người đáng quý. Điều này cũng đâu phải quá khó khăn, đâu phải đóng cửa tụng năm mười lần kinh Bát-nhã, kinh Di Đà, kinh Kim Cương… Tụng kinh cho nhiều mà người ta đụng tới ong óng lên, như thế Phật nào chứng cho. Kinh Bát-nhã nói gì? Nói một hơi thở ra không bảo đảm lấy lại. Bây giờ mình phải tạo đạo tràng trong mọi khung cảnh, mọi thời gian, làm sao tu tiến được. Muốn thế đâu có gì khó, với điều kiện là đừng tham, đừng sân đừng si, bỏ đi những điên loạn lăng xăng vướng mắc ngược xuôi, như vậy nhất định quý vị tu được.

Tôn giả Xá-lợi-phất là vị trí tuệ bậc nhất, Tôn giả Mục-kiền-liên là vị thần thông bậc nhất. Ngài Mục-kiền-liên dùng thần thông tìm thấy mẹ đọa xuống địa ngục, khổ sở đói khát cùng cực. Xót xa ngài quay về bưng một bát cơm đầy xuống cho mẹ dùng, nhưng bà đâu có dùng được. Thấy cơm bà mừng khấp khởi, một tay che cho đừng ai thấy, một tay bốc ăn nhưng đưa vô miệng cơm hóa thành than, lửa cháy lên. Tại vì tâm bà đang cháy bởi lửa tham lam bỏn sẻn, nên thứ gì đưa vô cũng thành lửa hết. Thế là đói vẫn cứ đói, khổ vẫn cứ khổ. Sau này ngài Mục-kiền-liên phải quay về trình bạch lên đức Thế Tôn, rồi thỉnh cầu chư tăng mười phương, cùng nhất tâm hộ niệm nguyện mẹ ngài chuyển tâm mới mong thoát khổ. Nhờ lực dụng lớn lao ấy mới cứu được mẹ, chớ thần thông bản thân ngài không làm gì được.

Hôm đó tôn giả Xá-lợi-phất và tôn giả Mục-kiền-liên trên đường du hóa về gặp bọn ngoại đạo lõa hình. Nhóm ngoại đạo này không biết tu kiểu gì mà họ không mặc quần áo, thân thể họ bôi tro bôi bùn. Trong đó có những hạng trưởng giả giàu sang quyền quý lắm chứ, không phải nghèo thiếu gì đâu. Nhưng khi phát tâm tu, họ buông bỏ hết của cải, không mặc quần áo, bôi tro bôi đất đầy người, đứng ngoài trời. Họ đi khất thực bằng cách ai cho cái gì, họ đưa tay cho vô miệng luôn. Bởi vì họ không còn cái gì để đựng chứa đồ ăn cả. Thật là nó dơ dáy kinh khủng, nhưng họ làm được cũng hay chứ! Nhóm ngoại đạo lõa hình này đón đường không cho hai tôn giả đi qua. Bao giờ quí Ngài trả lời được những câu hỏi của họ thì mới có thể đi. Họ hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Ở trong chúng chánh mạng có Sa-môn quả không ?

Chúng chánh mạng là chỉ cho ngoại đạo. Họ tự xưng mình là chúng chánh mạng.

Ngài Xá-lợi-phất trả lời:

– Chúng chánh mạng Sa-môn quả không.

Ngài muốn nói trong chúng chánh mạng không có quả Sa-môn. Nhưng cách nói ấy làm cho ngoại đạo không hiểu được.

Họ hỏi tiếp:

– Chúng Thích-ca có Sa-môn quả không ?

Chúng Thích-ca là chỉ cho đệ tử Phật. Ngài Xá-lợi-phất trả lời:

– Chúng Thích-ca Sa-môn quả.

Nghĩa là trong chúng đệ tử Phật có quả sa-môn.

Hỏi:

– A-la-hán còn tham ái không ?

– Nếu A-la-hán còn tham ái là không có kẻ ngu si.

Câu nói này nghe thật khó hiểu. Nghĩa là các vị A-la-hán mà còn tham ái, thì trên đời này không còn những kẻ ngu si. Bởi vì các vị A-la-hán không có tham ái nên chúng sinh ngu si dẫy đầy, ở đây muốn ám chỉ các vị lõa hình. Ngoại đạo nghe rườm rà quá, cứ tưởng Tôn giả Xá-lợi-phất nói như thế là khen ngợi đạo giáo của họ, do đó họ mở đường cho ngài đi qua. Xá-lợi-phất thoát nạn. Nhưng đến ngài Mục-kiền-liên, họ lặp lại những câu hỏi đó, Tôn giả trả lời:

– Trong chúng của các ông làm gì có Sa-môn quả.

Ngài phủ nhận một cách trắng trợn, coi như cái búa đập vô đầu của mấy nhà khổ hạnh lõa thể này. Câu nói ấy dẫn tới hậu quả Tôn giả Mục-kiền-liên bị bọn ngoại đạo lõa thể vây đánh bầm tím cả người, máu me lênh láng, ngài không phản ứng gì hết. Hồi xưa các vị thánh hành hạnh thật đặc biệt. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất phải lấy đại y Tăng-già-lê của mình làm võng đưa Tôn giả Mục-kiền-liên về tinh xá.

Khi về đến tinh xá, đại chúng lấy làm lạ, nói: “Tôn giả Mục-kiền-liên là một vị thần thông bậc nhất, tại sao không thoát khỏi gậy gộc của đám ngoại đạo lõa hình, đến nỗi bị đòn như vậy, thật vô lý!”. Ngài trả lời: “Khi nghiệp quả đến rồi thì không thoát được, phải trả thôi”. Sau đó ngài viên tịch, hài cốt thiêu xong. Đức Thế Tôn ở giữa đại chúng nói: “Đây là hài cốt của Tôn giả Mục-kiền-liên, các vị tôn thờ quý kính, là một vị thánh khẳng khái, dám nói thẳng. Đây gọi là thánh tử đạo, dám hy sinh trả nợ của mình để làm sáng đạo giáo”.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh điểm, cũng trong một câu trả lời mà Tôn giả Xá-lợi-phất thoát nạn, còn Tôn giả Mục-kiền-liên phải trả nợ. Chúng ta không phải là những người học kỹ thuật, quanh co để được an ổn, nhưng đôi khi cũng cần khéo léo, tế nhị, vừa ổn định được hiện trường vừa giữ được tư cách đạo giáo của mình. Điều này đòi hỏi mình phải sáng suốt. Tuy nhiên cũng phải quán triệt luật nhân quả, khi nào trả quả thì mạnh dạn trả, chứ không trốn tránh. Tùy phương tiện, tùy thời cơ, tùy hoàn cảnh, làm sao vừa giữ mình vừa tu hành được, chứng tỏ cho đối phương thấy được đạo lý, chủ trương của mình. Cho nên với trí tuệ của mình, tôn giả xá-lợi-phầt đã chiến thắng được ngoại đạo. Gương hạnh ngày xưa như thế, bây giờ chúng ta cố gắng làm thế nào phát huy được trí tuệ của mình.

Qua cái chết của Tôn giả Mục-kiền-liên, đức Phật nói: “Này tất cả các thầy Tỳ-kheo, các thầy hãy chiêm ngưỡng hài cốt của Mục-kiền-liên, đã mang sắc thân thì chắc chắn còn nghiệp phải trả”. Đây là điều chúng ta cần học, thần thông không đối địch được với nghiệp lực. Phật dạy: “…… Đã mang sắc thân thì chắc chắn còn nghiệp phải trả, nhục thể phải chịu luật vô thường”. Luật như thế, hễ còn thân tứ đại này thì còn bị vô thường chi phối. Nó mài giũa từng chút một. Con người mạnh khỏe rồi già bệnh, tóc bạc, răng long, đi lụm cụm, bệnh hoạn rồi chết, đổi thay liên tục không dừng. Còn mang sắc thân này thì chắc chắn phải trả nghiệp, không chạy đàng nào khỏi.

Phật thường nói “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”, chúng ta nhân thì không lo tu mà cứ sợ quả. Nhiều người hằng ngày nôm nốp lo sợ, sợ cái gì? Sợ mình mau già. Có người nói: Tu hành không có con cái, không biết mai mốt bệnh ai nuôi, nằm bù lăn bù lóc, khổ dữ. Cứ nôm nốp lo như thế. Chúng ta tin chắc còn thân là còn bệnh, bệnh không dành riêng cho ai hết. Người lớn tuổi, người nhỏ tuổi, người giàu sang, người nghèo khổ… ai cũng có bệnh. Dân gian thường nói “Trời kêu ai nấy dạ”, là ý này. Cho nên chúng ta phải tỉnh táo phấn chấn lên, hiểu rõ còn thân này thì còn bệnh, vui vẻ chấp nhận, không lo sợ gì cả.

Các vị thiền sư nói “Giả dụ như ngay bây giờ mình mang những thứ bệnh độc hại nhất, phải chết. Mọi người gớm ghiếc, mình cũng vẫn tươi cười, giữ vững niềm tin đối với Tam bảo.” Biết chắc rằng thân này giả tạm, luôn có bệnh như thế. Quý vị thấy như bệnh ung thư, đâu phải từ bên Tây bay tấp vô mình. Con vi trùng ung thư sẵn trong người, gặp duyên nó phát triển thành ra bệnh. Bệnh lao phổi, bệnh lớn tim, bệnh lở loét bao tử gì đó, ai cũng có sẵn hết. Nếu mình không khéo thì thành bệnh. Nói khéo là khéo làm sao? Khéo hạn chế tới đâu tốt tới đó, chớ không phải nói khéo là hoàn toàn không bị bệnh. Ví dụ quí vị biết cái bao tử, cái tỳ vị, cái ruột của mình lạnh, mà mỗi ngày cứ uống nước đá vô thì làm sao khỏi bệnh. Hay mình biết cái gan nóng, nó sắp sơ tới nơi mà cứ hút thuốc lá với uống cà phê đen vô thì làm sao khỏi bệnh? Đó là khéo, biết tật xấu thì ngừa, mai ra đỡ bệnh. Chứ còn thì ai cũng bệnh và bệnh nào cũng chết hết. Luật sanh diệt là như vậy.

Ai cũng bị luật vô thường chi phối, nghiệp tập ai cũng phải trả. Do đó Phật dạy: “Sinh tử trả nghiệp là chuyện thường tình, không có gì phải hoang mang lo sợ”. Đó là câu nói gần như chân lý. Sinh tử trả nghiệp là chuyện thường tình. Khi chúng ta nhận được như vậy rồi thì còn lo sợ cái gì! Còn lo sợ là thấy nó không bình thường, thấy nó vĩ đại to lớn quá đi. Nếu thấy nó thường thôi, chết không sợ thì sợ cái gì nữa? Người Phật tử chết không sợ mới giữ đạo, mới tu hành được, chứ còn sợ chết sợ ma thì tu không nổi. Phải gan như vậy.

Khi xả báo thân con người không nên mê muội, oán thù và sân giận. Lúc bệnh sắp chết, chúng ta bình tĩnh, đừng mê muội, đừng oán thù, đừng sân hận gì hết. Muốn được như thế phải tu ngay bây giờ. Phật tử tập buông bỏ cố chấp về thân, về cảnh, về tâm của mình thì mới bình tĩnh, sáng suốt được. Bây giờ còn chấp còn nắm là còn mê. Dù quý vị học giỏi bao nhiêu, bằng cấp cao cỡ nào mà còn chấp là còn mê. Kể cả hành Tăng Ni xuất gia đã nghiên cứu học hỏi Phật pháp mười năm hai mươi năm, mà còn vấn đền nào đó chưa thông, còn bám vào đó là còn mê. Còn mê thì khó đảm bảo được an ổn khi xả báo thân này. Đó là gốc của sự tu.

Nói về oán thù, chúng ta đã thấy tất cả pháp không thật thì oán thù cái gì? Như người đứng trước mặt mình chửi, họ kêu giòng tộc ông bà mình ra chửi. Ta thấy người đó nói nhảm, lời nói của họ từ những động tác của lưỡi môi răng, từ tư tưởng xằng bậy phát ra, không có gì dính dáng đến mình cả. Nếu chúng ta cố chấp, nghe người ta nói “mầy là con bò” tự nhiên nhận mình là con bò, rồi xảy ra hận thù làm sao an ổn được. Như vậy là mê. Cho nên Phật dạy muốn bỏ báo thân này được an lạc tự tại thì đừng mê, đừng oán thù, sân hận gì hết.

Chúng ta cầu nguyện cho mình an lạc, bà con mình an lạc, thầy tổ an lạc, nhưng chưa thực hiện điều kiện tiên quyết cốt lõi để được an lạc, chỉ mới đốt nhang khấn nguyện thì không bao giờ an lạc. Chúng ta nên thực tập tu hành, sửa đổi những cái xấu khuyết của mình để được an lạc. Như vậy việc cầu nguyện mới chân chính, mới có kết quả thiết thực, còn không chỉ là cầu nguyện suông thôi. Nếu có kết quả cũng chỉ là hãn hữu, tùy phước tùy duyên mà được như vậy thôi. Như quí vị cầu cho ông già mình khỏe mạnh và ông già được khỏe theo như lời cầu nguyện. Đó là do trong khoảng thời gian thân thể ông cụ còn khỏe, gặp những loại thuốc bổ hay ăn uống ngon, ngủ nghỉ tốt, cuộc sống thoải mái nên có kết quả như thế. Nhưng quí vị lại nói: “Chà! Mình cầu nguyện hay quá, ông già an lạc thật”. Không phải đâu, vì duyên trong khoảng đó như thế. Thật sự phải sửa phải tu ngay cốt lõi, mới có an lạc chắc thật.

Trong các nghiệp, “Cận tử nghiệp” là nghiệp nặng nhất. Có những nghiệp trong nhà Phật chủ trương chuyển được. Nhưng cận tử nghiệp là nghiệp nguy hiểm, có thể nói nặng nề quan trọng nhất. Song nó cũng chuyển được, nhưng chuyển bằng cách nào? Chuyển không có nghĩa là người ta đánh mình, mình đánh lại; người ta chửi mình mình chửi lại, mà chuyển là mình đủ lực, đủ sáng suốt không oán thù, không gây hấn, không mê muội khi người ta chửi hoặc đánh mình. Chúng ta không bị những lời chửi làm mờ đi trí tuệ, ta hoàn toàn bất động, tịch tĩnh khi duyên xấu đến với mình. Quý vị nên hiểu nghĩa “chuyển” trong nhà Phật là như thế, chứ không sẽ lầm về vấn đề chuyển nghiệp.

Chuyển nghiệp ngay gốc là thấy nó không thật. Chúng ta phân tích sẽ thấy, ví dụ người phát âm mà cái lưỡi của họ ngắn chừng phân nửa lưỡi của mình, hai môi của họ không đủ, hàm răng không còn cái nào, lưỡi cụt ngẳn, cho họ phát âm, họ nói cái gì? Cho dù họ kêu tên ông già mình chửi, quý vị thử nghe được không? Nghe không được. Như vậy lời phát ra là do kết hợp lưỡi, hai môi đầy đủ, hai hàm răng đầy đủ, với các tác động bên trong phát ra như thế. Nếu những duyên ấy thiếu đi, phát âm thành ngọng ngệu, biết trúng trật gì đâu. Như thế mà mình chấp. Đó gọi là chuyển ngay từ gốc. Chứ không phải suy diễn theo kiểu “Anh chửi tôi, tôi thừa hiểu, tôi biết luôn những nguyên nhân nào khiến anh chửi tôi”, từ đó có đối đầu đối địch, oan oan tương báo. Cứ thế xảy ra, kéo dài liên tục, không bao giờ dứt. Anh chửi tôi một lời, tôi chửi anh hai lời, như thế trả đũa, trả đi trả về đời đời kiếp kiếp không bao giờ mất. Từ đó trở thành nghiệp. Nghiệp tức là năng lực từ hành động của mình, nó lặp đi lặp lại liên tục nên tạo thành sức mạnh, có năng lực. Có nghiệp rồi thì gây nghiệp thế nào hậu quả như thế ấy. Người tu sáng suốt hơn ai hết, làm sao hóa giải ngay từ trong nguyên nhân, đừng bị động thì được an lạc thôi.

Trong cuộc sống bình thường, chúng ta hóa giải được tất cả những nghiệp tập của mình thì cận tử nghiệp lúc sắp ra đi sẽ nhẹ nhàng, tốt đẹp. Muốn thế phải bình tĩnh sáng suốt, đừng sân hận, cố chấp, phải có sự tha thứ cho nhau, việc tu hành mới nhẹ nhàng, chứ không thì nặng nề như đá, không bao giờ tiến. Làm sao tâm mình nhẹ nhàng, an ổn mới đúng là tâm lượng người tu.

Có câu chuyện thế này. Một thiền tăng nọ hóa đạo trên ngọn núi, với số tăng ni theo tu hành khá đông. Dưới núi có một dòng sông lớn, muốn qua làng bên kia phải dùng đò. Ở đó chỉ có một bến đò độc nhất, thiền tăng muốn làm Phật sự nơi nào cũng phải xuống đò. Người quản lý bến đò ngoài 50 tuổi, rất chất phác, làm việc cẩn thận nên được dân làng hai bên bờ sông tin cậy. Một sáng nọ người ta không thấy vị lái đò lớn tuổi nữa mà lại xuất hiện một cô lái đò trẻ đẹp duyên dáng. Khách đi đò ai cũng thích thú ngắm nhìn cô ta. Cũng như thường lệ thiền tăng xuống đò qua sông. Thấy cô lái đò xinh đẹp, thầy len lén nhìn. Khi xuống đò mọi người trả một đồng đi hết, thầy bị giữ lại. Cô nói: “Thầy phải trả cho tôi hai đồng”. Ông thầy lấy làm lạ hỏi: “Sao vậy?”. Cô nói: “Thêm một đồng thầy lén nhìn tôi”. Ông thầy mau mau lấy thêm một đồng trả cho rồi, không đôi chối quanh co làm chi

Bận về, nhớ lại chuyện hôm trước, ông thầy cúi mặt nhìn xuống sàng, không dám ngó lên. Vậy mà khi xuống đò cô lại đòi tới bốn đồng. Ông thầy càng thắc mắc hơn và được cô trả lời: “Kỳ trước thầy nhìn tôi bằng mắt, kỳ này thầy nhìn tôi bằng tâm nên phải trả gấp bốn lần”. Thiền tăng cười lấy tiền trả và như đã nhận được đạo lý từ cô lái đò cừ khôi kia. Sau đó cô lái đò biến mất và trả lại cho bến đò người lái đò đứng tuổi năm xưa.

Câu chuyện cho chúng ta thấy cái tâm của mình là quan trọng nhất. Nếu tâm ô nhiễm, dong rủi, thì mình bị nó kéo mũi dẫn đi. Cho nên người tu tuy dụng công nhẹ nhàng nhưng phải cớ sức tự chủ mạnh mẽ. Tâm thanh tịnh thì vượt khỏi buộc ràng vướng mắc, ngược xuôi, tăm tối, lăng xăng điên đảo. Ai còn giữ tâm vọng tưởng đảo điên Phật nói người đó nuôi giặc làm con, tai họa không bao giờ tránh được. Như quí vị đang ngồi đây mà tơ tưởng Thành phố, Vũng Tàu, Đà Lạt thì cắt ngay mới yên, mới sống với tâm chân thật được. Người tu muốn nhẹ nhàng, an lạc phải thường xuyên kiểm tra tâm mình. Những tơ tưởng, nghĩ ngợi, tức tối, lăng xăng bỏ đi. Tu tâm là gốc, sửa ngay tâm là chuyển được nghiệp.

Chúng ta phải có sự yên tĩnh, sáng suốt nhất định trong khi tu tập. Đừng mê muội, đừng uất hận, đừng cố chấp thì mới nhận và sống được với tâm thanh tịnh. Quý vị cố gắng, chúng ta là con Phật, phải làm sao sống an lạc như ngài, trở về với sự yên tĩnh, lặng lẽ sáng suốt của chính mình. Được vậy sự giải thoát an vui nhất định ở trước mắt, chớ không có đâu xa.

H.T Thích Nhật Quang

Nguồn: thuongchieu.net