ĐÁP:
Giáo lý nhân quả là một trong những giáo lý nổi bật nhất trong đạo Phật. Mọi sự vật, hiện tượng hình thành ở thế gian đều có nguyên nhân của nó, không có điều gì tự nhiên mà có. Do đó để cái TÔI nhỏ lại thì cần phải suy ngẫm để thấy rõ hai điều như sau:
Thứ nhất: Suy ngẫm xem cái TÔI của mình được nuôi lớn bằng những chất liệu gì. Có phải nó được dưỡng nuôi bằng sự giàu có, thông minh, địa vị xã hội, học thức, sắc đẹp,… hay không?
Nếu đúng là cái TÔI được nuôi lớn bằng những thứ vừa nêu trên thì bước tiếp theo, tiếp tục suy ngẫm xem những gì mình đang có như giàu có, thông minh, địa vị,… đó có phải là số một trên thế giới này chưa, hay chỉ hơn được một vài người và còn thua rất nhiều người? Nếu chỉ hơn được một số người và còn thua rất nhiều người thì mình còn phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện bản thân chứ có gì mà tự phụ và xem thường người khác. Còn như quả thật mình là số một thế giới rồi thì đó cũng là do nhân lành mình đã gieo trồng, tích lũy trong quá khứ giờ mới thành tựu; nếu giờ chỉ dương dương tự đắc với những thành quả ấy mà không tiếp tục gieo nhân thì cũng sẽ đến lúc mình cũng trở lại bình thường như bao người khác.
Thứ hai: Mình phải ý thức được cái TÔI càng lớn càng làm cho mình đau khổ vì mình luôn xem thường, sẵn sàng chê bai và không bao giờ hài lòng với việc làm của người khác. Đây là nguyên nhân dẫn đến bị mọi người xa lánh, giận hờn, mọi việc làm bị trở ngại và kết quả là cả mình và người cùng đau khổ.
Suy ngẫm và thấy rõ hai vấn đề vừa nêu thì bản ngã, cái TÔI sẽ không còn chỗ để nương tựa. Quán chiếu càng sâu thì cái tôi càng nhỏ, quán chiếu sáng tỏ thì cái tôi biến mất.