Con kính thưa quý Thầy, con có một thắc mắc về chữ “Chậm” mà quý Thầy hay chia sẻ với chúng con. Con biết khi chậm lại thì mới tĩnh thức, khi ấy sẽ giải quyết sự việc sáng suốt nhất. Tuy nhiên có một trăn trở là đối với những việc cần phản xạ xử lý nhanh vậy thì không có thời gian để chậm lại. Vậy khi ấy con phải làm sao?
Tại Thiền viện, Quý Thầy khuyến khích mọi người cùng thực hành “Chậm – Nhẹ – Mỉm cười” để dần làm chủ thân, tâm và hóa giải mọi phiền não khổ đau trong cuộc sống. Trong đó, Chậm lại để đủ sự bình tĩnh và độ chính xác trong công việc, trong lời nói cũng như trong hành động. Đây chính là bước thực hành để dần làm chủ thân mình. Tuy nhiên, trong thực hành ta cần phải linh động uyển chuyển. Lúc có thể chậm được thì nên chậm, còn khi công việc đòi hỏi phải nhanh cho kịp thì tất nhiên ta nên nhanh. Hơn nữa, thực hành Chậm chỉ là bước đầu cho ta quen dần, đến khi thuần thục rồi thì “Chậm trong nhanh, nhanh mà chậm”, tức là tuy bề ngoài nhanh nhưng ta vẫn ý thức, làm chủ được hành động, mọi thứ bên trong vẫn chậm. Nhanh nhưng không vội vàng, mau nhưng không hấp tấp, đó chính là cảnh giới bậc cao của “Chậm”.